HỘI TỤ TINH HOA

Phần 1: Hoà Bắc- Sông Cu Đê
Phần 2: Đại Bường – trầm tích phù sa Sông Thu Bồn

PHẦN 1 : HOÀ BẮC – SÔNG CU ĐÊ

  1. Điều kiện tự nhiên (Địa lý, địa hình, khí hậu, thủy văn):

– Thành phố Đà Nẵng có diện tích tự nhiên là 128.488ha, trong đó Huyện Hòa Vang là huyện ngoại thành của thành phố, có diện tích là 73.317ha, chiếm 57% diện tích toàn thành phố. Địa hình vừa có đồng bằng vừa có núi, một số đồi thấp xen kẻ. Trong đó Hòa Bắc là một xã có vị trí địa lý khá đặc biệt và chiếm diện tích khá rộng lớn (có thể là lớn nhất) trong số 11 xã  thuộc huyện Hòa Vang.

– Hệ thống sông ngòi ngắn và dốc. Ngoài con sông Hàn giữa lòng đô thị thì Sông Cu Đê là con sông lớn chủ yếu của Đà Nẵng. Sông chảy trên địa bàn huyện Hòa Vang, chủ yếu chảy trên địa bàn xã Hòa Bắc trước khi đổ ra Vịnh Đà Nẵng tại cửa Nam Ô.

– Hệ thống sông Cu Đê có lưu vực rộng 426km2, dài 40 km, lưu lượng bình quân 230m3/s. Xuất phát từ 02 nguồn: phía Bắc từ núi Giáo Lao (1.448m), còn gọi là nguồn Lỗ Đông; phía Nam xuất phát từ núi Mang (1.708m, còn có tên gọi núi Trà Ngạn). Hai nguồn sông Nam, sông Bắc hợp lại thành Sông Cu Đê. Từ chỗ hợp lưu ra đến cửa biển dài 20km, chảy theo hướng Đông – Tây qua các làng: Nam Yên, Hội Yên, Trường Định, Quan Nam, Phò Nam, Lệ Mỹ, Thủy Tú và Nam Ô. Có 03 con suối đổ vào trên đoạn sông này gồm: Suối Lộc Mỹ, Suối Hội Yên và suối Hòa Trung (sau được/bị chặn dòng để xây hồ chứa nước Hòa Trung với dung tích 10 triệum3).

Về khí hậu: là nơi chuyển tiếp đan xen giữa khí hậu miền Bắc và miền Nam, với tính trội là khí hậu nhiệt đới điển hình ở phía Nam. Mỗi năm có 02 mùa rõ rệt: mùa mưa kéo dài từ tháng 8 đến tháng 12 và mùa khô từ tháng 1đến tháng 7.

  1. Thực trạng sản xuất nông nghiệp:

 2.1 Về trồng trọt và chủng loại cây trồng: đa dạng với rau- màu, nấm, cây dược liệu bên cạnh một số cây trồng truyền thống như: lúa, ngô (bắp), cây có bột (khoai, sắn). Về rau với khoảng 40 chủng loại, gồm rau ăn lá (mồng tơi, rau muống, rau lang, xà lách, cải các loại, càng cua, diếp cá, rau húng, hành, ngò, rau dền, rau ngót….) và rau ăn quả (bí đao, bí đỏ, bầu, dưa leo, mướp đắng (khổ qua), mướp, dưa gang, cà tím, đầu, ớt, đậu bắp…).

Nghề trồng Nấm tại Hòa Vang chiếm khoảng 55,7%, (với trên 150 hộ) chủ yếu là nấm linh chi, nấm sò, nấm rơm). Bên cạnh nấm ăn, nấm dược liệu cũng được sản xuất, chế biến cung ứng nguồn dinh dưỡng có ích cho sức khỏe. Tương tự vậy, các loại cây dược liệu như Nghệ vàng, Đinh Lăng, Trinh Nữ Hoàng Cung, Kim Tiền Thảo… cũng được tập trung hỗ trợ trồng trọt để góp phần nâng cao chất lượng sức khỏe cho người tiêu dùng.

Mía là 01  trong 03 loại cây công nghiệp hàng năm (gồm Mía, Lạc, Mè), diện tích trồng mía 338ha, sản lượng 13.358 tấn, trong đó diện tích trồng mía tập trung chủ yếu ở Hòa Bắc.

2.2 Về chăn nuôi và chủng loại thú nuôi:

Hòa Bắc, có 02 trong 07 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (theo hướng hữu cơ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thân thiện với thiên nhiên) được thành phố phê duyệt.

 Đó là: Vùng chăn nuôi tập trung tại Hòa Bắc khoảng 230ha và vùng nuôi tôm Trường Định 50ha.

 – Bên cạnh các thú nuôi truyền thống như: trâu, bò, lợn (heo), gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng, chim cút), một số mô hình chăn nuôi mới như: heo rừng, nhím, dê, chim trĩ, gà đồi, gà thả vườn… tại vùng trung du núi đồi góp phần đa dạng nguồn cung cấp thực phẩm từ động vật.

  1. Hòa Bắc – vùng nguyên liệu được thiên nhiên ban tặng cho con người.

– Nằm về phía Tây và Tây Bắc thành phố vừa giáp ranh với địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, vừa giáp ranh với tỉnh Quảng Nam. Đúng là nơi hội tụ, chuyển tiếp đan xen giữa khí hậu miền Bắc và miền Nam. Nguồn nước của Sông Cuđê từ các đỉnh núi cao và từ các suối đổ về chủ yếu băng qua vùng rừng xanh nguyên sinh nên chất lượng nước rất sạch gần như không ô nhiễm. Địa hình địa mạo đa dạng, với các vùng đồi xem kẻ đồng bằng tạo nên những mặt bằng trồng trọt và chăn nuôi mang nhiều sắc thái đặc trưng.

– Với điều kiện về địa hình, địa mạo, khí hậu và thủy văn đặc trưng nêu trên, cộng với con người thuần hậu, chịu thương chịu khó đậm chất văn hóa Xứ Quảng. Sản vật có được từ vùng nguyên liệu này có thể nói là phẩm vật hội đủ tam tài : “Thiên – Địa – Nhân”.

– Ngoài ra, Tà Lang – Giàn Bí là vùng cư trú (duy nhất) của tộc người Cơ Tu tại Đà Nẵng cũng tại Hòa Bắc. Với phong tục, tập quán đặc trưng, khi họ tác động vào tự nhiên qua trồng trọt, chăn nuôi họ góp phần tạo nên những sản vật độc đáo của tộc người Cơ Tu (như rượu Tà Đin, Tà Vạt, lúa nương…).

– Sự đa dạng phong phú và sự độc đáo riêng có của sản vật lại có thể cùng tồn tại trên cùng một vùng đất. Vùng nguyên liệu Hòa Bắc mà chúng tôi đã chọn, để từ đây chúng tôi cung ứng những sản vật, lương thực, thực phẩm sẽ mang lại cho quý vị những bữa ăn ngon – bổ dưỡng như đúng tinh thần Slogan của ASIAN FARM: “Thực phẩm thiên nhiên – Thuốc tiên mỗi ngày”.